‘NỮ TƯỚNG’ DIGIWORLD: NGƯỜI MAY MẮN CHIA SẺ CHO NGƯỜI KHÓ HƠN SẼ KHIẾN XÃ HỘI BỚT BẤT CÔNG, NÊN CHÚNG TÔI CHỈ CHO CON THỪA KẾ TỐI ĐA 20% TÀI SẢN

"Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, nó chỉ bớt bất công đi khi người có cuộc sống đủ đầy biết chia sẻ, giúp đỡ người kém may mắn", quan điểm về từ thiện của nữ tướng Digiworld - Tô Hồng Trang.

Trong khoảng vài tháng qua, do tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và Hà Nội, những thị trường chính của Digiworld, trở nên hết sức căng thẳng; khiến công việc kinh doanh của doanh nghiệp này bị ảnh hưởng. Những tưởng, như thế thì lãnh đạo cấp cao như chị Tô Hồng Trang – Đồng sáng lập - Phó Tổng Giám đốc của Digiworld sẽ hết sức "nhàn hạ".

Tuy nhiên, sự thật ngược lại, với tư cách là người điều hành mảng phát triển tổ chức của công ty có hơn 500 nhân sự, chị Tô Hồng Trang còn bận bịu hơn trước rất nhiều. Đầu tiên là bận quản lý dự án CSR của Digiworld "Triệu khẩu trang, triệu tấm lòng" cũng như hỗ trợ những dự án thiện nguyện khác trong mạng lưới của mình; thứ hai là làm chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho các cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp trước những khủng hoảng mùa dịch.

Mục tiêu cao nhất của thiện nguyện, không phải đến cho người ta tiền mà phải khiến họ cảm nhận được rằng: mình không bị xã hội bỏ rơi và mình chỉ khó khăn nhất thời, mình cần phải phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình tốt hơn thông qua sự hỗ trợ tức thời của người khác.

Sự thật, thiện nguyện là công việc nhạy cảm và dù doanh nghiệp có tiêu tiền của mình cũng phải cẩn trọng – minh bạch; nếu không lắm khi sẽ tạo tác dụng ngược. Về cá nhân, tổ chức đứng ra quyên góp tiền từ thiện từ cộng đồng, các cấp quản lý của Nhà nước cần có luật lệ khắt khe để kiểm soát hoạt động của họ; nhằm không tạo ra những biến chất, khiến nhiều người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm với mảng hoạt động này.

Hiện trạng của Digiworld từ đầu năm 2021 và ở thời điểm hiện tại đang như thế nào, thưa chị?

Đầu năm 2021 cho đến hết quý II, thì tình hình kinh doanh của Digiworld vẫn rất tốt, nhưng sang quý III khi dịch bùng phát mạnh và áp dụng chỉ thị 16 và 16+ thì hàng hóa khó khăn trong luân chuyển, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung – đặc biệt ở 2 thành phố trọng điểm là TP.HCM và Hà Nội.

Theo tôi, với việc mọi người phải học tập và làm việc online, thì công nghệ thông tin vẫn có thể xem là mảng thiết yếu – minh chứng là lượng đặt hàng máy tính bảng và laptop vẫn lớn; tuy nhiên trong hoàn cảnh giãn cách không thuận lợi đã khiến chúng tôi không thể giao hàng.

Trước đây, quan điểm về CSR của doanh nghiệp với chị là như thế nào? Và trong giai đoạn đặc biệt như bây giờ đã thay đổi ra sao? Digiworld có thay đổi chiến lược CSR của mình?

Quan điểm cá nhân của tôi: cuộc sống vốn dĩ không công bằng, nó chỉ bớt bất công hơn khi người đầy đủ biết chia sẻ, giúp đỡ người kém may mắn. Doanh nghiệp là một tập thể hội tụ nhiều con người, nếu mọi người cùng đồng thuận với suy nghĩ này, thì bản thân người lao động trong doanh nghiệp cũng có ý thức giúp đồng nghiệp khó khăn, mở rộng hơn là giúp đỡ xã hội.

Có nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng việc họ tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn, hàng chục nghìn lao động, đóng thuế đầy đủ là hoàn thành nghĩa vụ, không cần phải làm các hoạt động CSR. Tôi không nghĩ như họ!

Cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng ‘thuận buồm xuôi gió’, không phải lúc nào anh mạnh, anh giàu sẽ không cần sự giúp đỡ. Điển hình như khi bắt đầu đại dịch Covid-19, rất nhiều nước giàu mạnh trên thế giới không đủ khẩu trang vì quá bất ngờ và nguồn cung không đáp ứng, thì Việt Nam đã viện trợ rất nhiều khẩu trang cho các nước giàu hơn chúng ta.

Trong cơn đại dịch này thì tôi thấy việc giúp đỡ, đùm bọc, san sẻ với xã hội lại càng cần thiết. Chẳng có ai mạnh mãi, giàu mãi và khỏe mãi đâu!

Trước đây, vì hoạt động chủ yếu trong mảng ICT – phục vụ nhiều cho các lĩnh vực như kinh doanh – giáo dục, nên chúng tôi thường quan tâm đến các đối tượng như thanh thiếu niên và trẻ em hơn các đối tượng khác khi thực hiện các chương trình CSR, ví dụ như trao học bổng hoặc tu sửa trường học. Những năm gần đây, chúng tôi lại quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường: Trồng cây cho rừng ngập mặn, trao tặng mầm xanh sau lũ …

Tuy nhiên, khi Covid-19 xuất hiện, Digiworld không còn cứng nhắc đi theo các chiến lược CSR đó nữa, mà chúng tôi cảm thấy mình cần chung tay cùng xã hội và cung cấp những gì người dân Việt Nam đang cần kíp nhất – có thể ảnh hưởng đến sự sống chết. Chiến dịch "Triệu khẩu trang, triệu tấm lòng" của chúng tôi đã ra mắt trên tinh thần đó.

Chị có thể chia sẻ chi tiết hơn và chiến dịch "Triệu khẩu trang, triệu tấm lòng" mà Digiworld đang thực hiện?

Vào lúc cao điểm của dịch, biết được y bác sỹ ở các tầng 4, 5, khu hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng bị thiếu khẩu trang N95 3M, chúng tôi muốn mua để tặng họ.

Tuy nhiên, do tìm mãi không có nguồn chính hãng N95 của 3M, mà chúng tôi không dám mua từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, nên phải thay đổi nhóm sản phẩm từ 3M sang N95 do một công ty sản xuất khẩu trang được giấy phép xuất khẩu sang thị trường châu Âu, ở Việt Nam thì các lãnh đạo cấp cao nhất của Nhà nước và Bộ y tế đang dùng loại khẩu trang này, chúng tôi ký hợp đồng mua và cung cấp cho nhóm y bác sỹ không phải thuộc phòng ICU.

Cùng thời điểm đó, khi làm việc với nhóm cán bộ quận 12 đi kiểm tra tình hình chống dịch tại trung tâm phân phối của Digiworld, chúng tôi được biết dân nghèo trong quận rất thiếu khẩu trang, có nhiều gia đình phải giặt đi dùng lại khẩu trang y tế bằng giấy. Từ đây, ý tưởng "Triệu khẩu trang, triệu tấm lòng" được triển khai nhanh chóng, trong vòng 1 tháng chúng tôi trao tặng hơn 1 triệu khẩu trang đến đội ngũ y tế, tuyến đầu và dân nghèo ở TP.HCM.

Chiến dịch này chủ yếu lấy từ ngân sách của công ty và một phần từ nguồn quyên góp từ cán bộ nhân viên công ty, gia đình, bạn bè thân hữu để lan tỏa tinh thần san sẻ giữa mùa dịch. Khi phát động chương trình, nhân viên công ty thấy chương trình ý nghĩa, nên đã vận động bạn bè, người thân mình tham gia khá nhiều.

Nhiều người cho rằng, không ít doanh nghiệp mang tiền đi làm từ thiện khắp nơi, trong khi đối xử với nhân viên mình khá tệ? Chị thấy thực trạng này tại Việt Nam có phổ biến không hay chỉ một vài trường hợp đặc biệt?

Tôi không rõ xung quanh mọi người có như thế không, nhưng tôi có một cách đánh giá chung về doanh nghiệp hoặc cá nhân làm CSR.

Tôi không bao giờ tin một người đối xử không tốt với gia đình, người thân, người giúp việc của mình mà lại hào hiệp với người dưng, kiểu ‘con mình không nuôi mà lại đi làm mẹ cả đàn con người người khác’. Thật vô lý khi doanh nghiệp bóp chẹt từng đồng từng xu với nhân viên, hay khi nhân viên đau ốm hoạn nạn không giúp, mà lại giúp được xã hội!

Kỷ niệm nào trong giai đoạn chống dịch này đáng nhớ với chị?

Bắt đầu từ việc gia đình một nhân viên của Digiworld có người nhiễm bệnh, trong cơn hoảng loạn, em gọi điện thông báo cho tôi biết và nhờ tôi kết nối với bệnh viện.

Sau đó, tôi bỗng trở thành "trợ lý bác sỹ" bất đắc dĩ cả ngày và đêm, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc, tập thở, đo nhiệt độ, đo SPO2, báo cáo lại bác sỹ… May mắn, gia đình em đã nhanh chóng khỏi bệnh một cách ngoạn mục. Sau đó, có lẽ vì ‘tiếng lành đồn xa’, tôi đã liên tiếp nhận được lời nhờ trợ giúp từ nhiều nhân viên khác.

Bây giờ, tôi đã có sẵn một bộ tài liệu về hỗ trợ phòng và chữa bệnh do nhiễm Covid như thế nào, có thể dễ dàng gửi cho nhân viên của mình ngay lập tức. Tôi nghĩ, nhiều khi nhân viên gọi mình không phải bởi mình giỏi giang gì, mà bởi họ cần một chỗ dựa tinh thần khi gặp khó khăn và họ tin rằng, tôi có thể giúp đỡ họ trong một mức độ nào đó.

Tôi chủ yếu có vai trò trấn an tinh thần của họ, còn chữa bệnh vẫn là công việc của y bác sỹ.

Nếu có việc các doanh nghiệp đang chạy đua làm CSR, theo chị là tốt hay xấu cho xã hội và các doanh nghiệp?

Vì lý do gì mà doanh nghiệp làm CSR, thì tôi đều thấy tốt và tôi cổ vũ cho việc đó. Càng nhiều doanh nghiệp đua nhau làm CSR, càng nhiều cá nhân làm thiện nguyện thì dân trí cũng được nâng tầm.

Theo đó, người ta sẽ thấy việc cho đi, giúp đỡ người khác đẹp, đáng nể hơn nhiều với việc ngồi ‘đập hộp – bóc giá’ khoe hàng hiệu, hoặc tốt hơn nhiều so với việc khoe tiền, khoe của chứ.

Trên thị trường, không hiếm doanh nghiệp làm CSR theo cách: đến một thời điểm nào đó, liền quăng một cục tiền nhất định và không hề quan tâm đến việc tiền của mình được sử dụng ra sao, có tác động tích cực đến địa phương hoặc đối tượng thụ hưởng cụ thể như thế nào. Hoặc mang tiền/vật phẩm đến để trao tặng cho người yếu thế với thái độ bề trên, như đang ban ơn. Chị nghĩ sao về những cách làm CSR như thế này?

Tôi nghĩ tinh thần CSR của doanh nhân hay chủ doanh nghiệp, người sáng lập sẽ ảnh hưởng lớn đến văn hóa CSR của doanh nghiệp đó. Nếu người chủ doanh nghiệp chân thành thì CBNV sẽ làm thật theo, nếu chủ doanh nghiệp làm theo kiểu chỉ để ‘đánh bóng tên tuổi’ thì CBNV của họ cũng ‘bóng lừ’ theo, làm cho có để lấy mấy tấm hình sống ảo.

Với tôi, của cho không bằng cách cho. Mục tiêu cao nhất của thiện nguyện, không phải đến cho người ta tiền của mà phải khiến họ cảm nhận được rằng: mình không bị xã hội bỏ rơi và mình chỉ khó khăn nhất thời, mình cần phải phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình tốt hơn thông qua sự hỗ trợ tức thời của người khác.

Đây là cách làm CSR bền vững mà chúng ta đang hướng tới, giúp một người tốt lên – tiến bộ hơn, tức đã giúp cho cả gia đình và xã hội của họ đi về phía trước. Giúp đỡ người khác phải chân thành, không nên làm theo kiểu cho có!

Việc CSR liên quan như thế nào đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp? Phải chăng nếu làm ăn có nhiều lợi nhuận thì sẽ đổ nhiều nguồn lực là CSR và ngược lại?

Đương nhiên rồi, tôi chẳng tin doanh nghiệp thua lỗ hoặc cá nhân đang cơm chẳng no mà có tiền đi làm từ thiện đâu.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm cách phân bổ ngân sách CSR một cách hợp lý. Nếu trước đây chúng ta một năm làm 2 hoặc 3 chương trình CSR nhỏ, thì bây giờ có thể gom lại thành 1 chương trình lớn. Hoặc nếu một chương trình CSR cần ngân sách vượt quá khả năng chi tiêu cho mảng này của doanh nghiệp, thì có thể khấu trừ dần vào ngân sách CSR của một vài năm tới.

Ngoài các hoạt động CSR liên tục và đều đặn của Digiworld, chúng tôi thấy chị có tham gia nhiều mạng lưới khác như Endeavor hay ủng hộ y bác sỹ mùa dịch, phải chăng chị thích làm CSR hơn kinh doanh?

May mắn cho tôi là ở Digiworld có 3 người điều hành chính nắm 3 mảng: Kinh doanh do anh Việt – TGĐ cũng là chồng tôi lo, Vận hành và Tài chính do chị Kiện Phương – Chủ tịch HĐQT quản, tôi chỉ tập trung cho mảng mà tôi có năng lực và đam mê là Phát triển một tổ chức bền vững và điều hành các hoạt động CSR.

Tôi và chồng tôi đồng thuận với nhau, chúng tôi để lại cho con không quá 20% tài sản của 2 vợ chồng, phần còn lại chúng tôi sẽ đóng góp lại cho xã hội thông qua các hoạt động CSR hiệu quả và thiết thực.

Ôi vậy con chị không buồn à? Thường thì các doanh nhân có khi không dám tiêu pha gì cho đời mình nhưng vun vén để lại hết cho các con.

Chúng tôi đồng quan điểm rằng: nếu con chúng tôi là người thành công tự thân thì sẽ không cần dựa vào tiền của bố mẹ, còn nếu con ỷ lại chỉ tiêu pha thì không xứng đáng xài hết thành quả chúng tôi đã tạo dựng nên.

Tôi muốn con tự tập, sống cuộc đời của con, không bị áp lực thừa kế tài sản của bố mẹ để rồi lo lắng ai đến với con chỉ để đào mỏ. 20% đủ để con tôi không phải lo lắng cơm áo gạo tiền, yên tâm theo đuổi đam mê của cháu, có thể làm giáo sư đi dạy lịch sử hoặc chính trị!

Hơn nữa, lý tưởng của con tôi là góp phần xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, tôi tin cháu cũng đồng thuận với bố mẹ trong việc san sẻ để cuộc sống bớt bất công!

Cuối cùng, chị có góp ý gì để các hoạt động CSR tốt hơn ở Việt Nam?

Các cấp quản lý của Nhà nước cần có luật lệ khắt khe để kiểm soát các cá nhân, tổ chức đứng ra quyên góp tiền từ thiện từ cộng đồng như việc phải có giấy phép thì mới được huy động tiền từ thiện.

Khi đã hoạt động, các quỹ/tổ chức/cá nhân làm từ thiện cần có kiểm toán, công khai sao kê tiền nhận và chi, thời gian tối đa phải giải ngân để tránh những trường hợp làm từ thiện nhưng gây tranh cãi rất lớn trong thời gian vừa qua.

Cảm ơn chị vì buổi trao đổi vô cùng thú vị!

Nội dung:Như Quỳnh

Thiết kế:Hoài Linh

Như Quỳnh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị