Digiworld tăng cường mảng ICT để đáp ứng nhu cầu thiết bị công nghệ ngày càng cao

Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng và thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số tại các tổ chức giáo dục, kinh doanh và mỗi cá nhân.

Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt và là một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất. Trong đó, nhiều biện pháp y tế cộng đồng đã nhanh chóng được triển khai hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế Giới (World Bank), Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu thế về mức độ người dân sử dụng điện thoại di động (150%) và mạng Internet (70%).

Các thông tin và cảnh báo từ nhà chức trách về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thường xuyên được nhắn cho người dân và cập nhật liên tục trên các trang web và mạng xã hội. Một số ứng dụng trên điện thoại để khai báo y tế và theo dõi tình hình dịch bệnh cũng được sử dụng.

Mặc dù ảnh hưởng tiêu cực từ lên kinh doanh nhưng dịch COVID-19 lại là chất xúc tác đẩy nhanh cuộc chạy đua số hóa trên toàn thế giới. Các mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện nhiều hơn. Với sự trợ giúp của công nghệ, người lao động nhận thức được lợi ích của làm việc tại nhà, tạo nên tiềm năng phát triển các công việc cho phép làm việc từ xa.

Xu hướng này mang lại cơ hội kinh doanh mới cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị đã sớm chuẩn bị cho xu hướng chuyển đổi số.

Tại dự thảo, đề án “Chuyển đổi số Quốc gia” đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến, đưa ra mục tiêu chung đến năm 2025, Việt Nam thuộc top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia. Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025 là chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (World Competitiveness Scoreboard) theo WEF thuộc top 40 (đến năm 2020 đạt top 50); 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch lên nền tảng số (đến 2020 đạt 10%); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (đến 2020 đạt 15%); phát triển ít nhất 80 ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (đến 2020 đạt 35 ngàn doanh nghiệp số).

Bên cạnh đó, theo IDC (IDC Spending Guide), chi phí chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ xấp xỉ 2 ngàn tỷ USD vào năm 2022.

Xu hướng chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đầu tư cả 3 mảng là phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Trong đó, chi phí đầu tư cho phần cứng và dịch vụ chiếm hơn 75% chi phí đầu tư chuyển đổi số trong năm 2019.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Digiworld (HOSE: DGW) cho biết: “Trong tình hình đại dịch COVID-19, công nghệ thông tin không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn nâng cao năng lực đối phó giữa bối cảnh khủng hoảng, giúp chúng ta giảm thiểu tác động tiêu cực gián đoạn xã hội, kết nối, làm việc hiệu quả.

Đại dịch này sẽ là bài học cho Việt Nam tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa từ các dịch vụ số và phải đẩy nhanh và mạnh hơn tiến trình số hóa.

Với xu thế không thể đảo ngược của chuyển đổi số cùng với dự đoán dịch bệnh còn phức tạp, tính cần thiết của hoạt động online, Digiworld sẽ thúc đẩy việc phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin (ICT), nắm bắt cơ hội mới cũng như đi đúng xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ.”

Hai ngành hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu danh thu của Digiworld là máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại.

Ngoài ra, danh mục sản phẩm trong nhóm thiết bị văn phòng của Digiworld hiện khá đa dạng từ máy chủ, máy trạm, giải pháp năng lượng, thiết bị kết nối thông minh IoTs, giải pháp mạng cho đến điện toán đám mây.

Danh sách đối tác trong mảng thiết bị văn phòng của DGW

Nguồn: DGW